Phạm vi quản lý Lý lịch tư pháp
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và mục đích quản lý của nhà nước về lĩnh vực này, Luật Lý lịch tư pháp (LLTP) quy định phạm vi quản lý LLTP là về án tích, tình trạng thi hành án và về việc cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã. Giá trị pháp lý và ý nghĩa chính trị- xã hội của những thông tin này là nhằm chứng minh người đó có hay không có án tích, ghi nhận việc xóa án tích, tạo điều kiện cho người đã từng bị kết án tái hòa nhập cộng đồng, phù hợp với quy định của Hiến pháp là “không có ai bị coi là có tội và phải chịu trách nhiệm hình sự khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật” và quy định của Bộ Luật hình sự là “người được xóa án tích coi như chưa bị kết án”.
Đối tượng quản lý Lý lịch tư pháp
Luật quy định đối tượng quản lý LLTP là công dân Việt Nam bị kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án nước ngoài, mà trích lục bản án hoặc trích lục án tích của người bị kết án được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp theo điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự hoặc theo nguyên tắc có đi có lại và người nước ngoài bị Tòa án Việt Nam kết án bằng bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật. Ngoài ra thuộc đối tượng quản lý LLTP còn có công dân Việt Nam cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong quyết định tuyên bố phá sản đã có hiệu lực pháp luật.
Quyền yêu cầu cấp phiếu Lý lịch tư pháp
Để đáp ứng yêu cầu của cá nhân chứng minh người đó có hay không có án tích, có bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã; hỗ trợ hoạt động tố tụng hình sự; hỗ trợ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập quản lý, quản lý doanh ngiệp, hợp tác xã, Luật quy định, ngoài công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam có quyền yêu cầu cấp phiếu LLTP, thì cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị- xã hội cũng có quyền yêu cầu cấp phiếu LLTP để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử, công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
Cung cấp, tiếp nhận thông tin Lý lịch tư pháp
Thông tin LLTP được xác định từ nhiều nguồn khác nhau và do nhiều cơ quan tổ chức cung cấp như Tòa án, Viện Kiểm sát, cơ quan Công an, cơ quan Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng, cơ quan Thi hành án dân sự và các cơ quan, tổ chức khác. Để bảo đảm tính chính xác, đầy đủ, kịp thời của thông tin LLTP, từng bước hình thành cơ sở dữ liệu LLTP thống nhất, phục vụ cho công tác quản lý LLTP, Luật quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc cung cấp, tiếp nhận thông tin LLTP. Đây là yêu cầu rất quan trọng nhằm khắc phục tình trạng phân tán thông tin LLTP hiện nay và bất cập cơ bản trong công tác quản lý LLTP.
Lập Lý lịch tư pháp và cập nhật, xử lý thông tin Lý lịch tư pháp
LLTP của cá nhân gồm những nội dung cơ bản về án tích và tình trạng thi hành án của người bị kết án. Yêu cầu cơ bản của thông tin về LLTP là phải được lưu trữ trong trạng thái “động”, vì vậy việc cập nhật, xử lý thông tin LLTP được quy định cụ thể, chi tiết trong mục 2 Chương III của Luật bao gồm: việc cập nhật thông tin trong trường hợp miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt, hoãn và tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, cập nhật thông tin trong trường hợp giám đốc thẩm hoặc tái thẩm; cập nhật thông tin của những bản án tiếp theo; cập nhật thông tin trong trường hợp chấp hành xong bản án, được đặc xá, đạo xá, trục xuất; cập nhật thông tin trong trường hợp công dân Việt Nam bị Tòa án nước ngoài kết án; xử lý thông tin LLTP khi một tội phạm được xóa bỏ theo quy định của Bộ Luật hình sự.
Thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản được quy định thành một mục riêng của chương này (mục 3) bao gồm những nội dung cơ bản về nguồn thông tin LLTP khi hết thời hạn không được thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
Cập nhật, xử lý thông tin LLTP trong trường hợp người bị kết án được xóa án tích
Để đảm bảo quyền của người được xóa án tích, tạo điều kiện cho người đã từng bị kết án tái hòa nhập cộng đồng, Luật quy định cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP có nhiệm vụ cập nhật thông tin LLTP về án tích, khi nhận được giấy chứng nhận xóa án tích của Tòa án hoặc khi xác định một người có đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích theo quy định của Bộ Luật hình sự thì ghi “đã được xóa án tích” vào LLTP của người đó.
Quy định này nhằm xác định trách nhiệm của cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP trong việc cập nhật thông tin về trường hợp người bị kết án đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi có yêu cầu cấp phiếu LLTP và không thay thế thẩm quyền của Tòa án trong việc cấp giấy chứng nhận xóa án tích quy định tại Điều 270 Bộ Luật Tố tụng hình sự.
Phiếu Lý lịch tư pháp
Luật quy định hai loại phiếu LLTP: Phiếu LLTP số 1 được cấp cho các nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 7 của luật này. Án tích đã được xóa thì không nghi vào Phiếu LLTP số 1; thông tin LLTP về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã chỉ ghi vào phiếu LLTP số 1 khi cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu. Phiếu LLTP số 2 được cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng. Trường hợp một người đã bị kết án thì phiếu LLTP số 2 ghi tất cả các án tích (bao gồm án tích chưa được xóa và án tích đã được xóa), thông tin LLTP vè cấm đảm nhiệm cức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
Để bảo đảm tính minh bạch và quyền dân chủ của công dân. Điều 41 quy định, Phiếu LLTP số 2 cũng được cấp theo yêu cầu trực tiếp của người có LLTP mỗi năm một lần, để họ có thể biết được nội dung về LLTP của mình. Luật cũng quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết yêu cầu cấp phiếu LLTP.
Luật Lý Lịch tư pháp có hiệu lực từ ngày 1.7.2009.
Nguồn: Tài liệu Văn phòng Chủ tịch nước
0 nhận xét:
Đăng nhận xét