Cùng quan điểm với ông Vũ Hiệp, ông Lê Văn Nguyện, Phó Chủ tịch Hội đồng họ Lê Việt Nam gặp tôi trong buổi ra mắt Hội đồng họ Lê tỉnh Nghệ An ngày 31-8-2008 vừa qua, cho biết: "Hiện nay, trong tay ông có cuốn tộc phả vô cùng quý giá do ông Lê Văn Du ở Nghệ An lưu giữ. Đó là cuốn Lê tộc sinh hạ do Đức Lê Lợi cùng anh là Lê Trừ và các cháu: Lê Khôi, Lê Sao, Lê Khang, Lê Tư Tề, Lê Nguyên Long , Lê Thánh tông cùng biên soạn. Trong cuốn Lê Tộc sinh hạ có nói đến sự tiếp nối từ đời Lê Đại Hành hoàng đế Lê Hoàn truyền nhiều đến đời Lê Lợi.
Căn cứ vào cuốn Lê Tộc sinh hạ này, ông Lê Văn Nguyện trong bài phát biểu tại buổi lễ ra mắt Hội đồng họ Lê tỉnh Nghệ An đã khẳng định: Cả nước Việt Nam ta chỉ có một họ Lê mà thôi.
Theo ông Lê Văn Nguyện thì gia phả tổ tiên để lại có rất nhiều dòng họ Lê phát tích từ Châu ái tức là từ Thanh Hóa bây giờ. Đó là quá trình theo Đức Thái tổ Lê Lợi đánh giặc cứu nước hoặc theo vua Lê Thánh tông đánh Chiêm Thành, theo chúa Nguyễn đi mở mang bờ cõi, được nhà vua cho ở lại để khai hoang lập ấp, xây dựng quê hương mới. Chính vì thế nhiều bà con họ Lê ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hà Tây, Phú Thọ đã trở về Thanh Hóa tìm lại cội nguồn của mình.
Thanh Hóa là vùng đất hội tụ được cả hồn sông khí núi nên đời nào cũng có các bậc anh hùng hào kiệt. Hai vị đế vương họ Lê: Lê Hoàn và Lê Lợi đều sinh ra trên mảnh đất thiêng này. Vì thế Thanh Hóa trở thành cội nguồn họ Lê đất Việt.
Đặc biệt cho đến nay Thanh Hóa là nơi duy nhất còn lưu giữ lăng mộ của hầu hết các đời vua của triều đại Hậu Lê, từ Lê sơ đến Lê Trung hưng. Toàn bộ số lăng mộ này đều nằm trên đất của huyện Thọ Xuân, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Có xã như xã Xuân Quang huyện Thọ Xuân là nơi an táng tới ba vị hoàng đế, đó là vua Lê Dụ tông, vua Lê Hiển tông và vua Lê Chiêu Thống. Mới đầu năm 2008 này trong khi đào đất làm đường vào làng, tại cánh đồng xã Xuân Phong, bà con lại phát hiện được mộ vua Lê Huyền tông. Bước đầu chính quyền huyện Thọ Xuân cho xây xi măng vây quanh phần mộ để bảo vệ.
Trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đội ngũ tướng lĩnh tài ba là người Thọ Xuân cũng rất đông đảo như: Lê Thận, Lê Văn An, Lê Thiết, Lê Lĩnh ở Mục Sơn; Lê Văn Linh, Lê Sao ở Thọ Hải; Phạm Lung, Phạm Vấn, Lê Bồi ở Nguyên Xá; Lê Lang, Đinh Lễ, Đinh Liệt ở Thủy Lôi; Nguyễn Nhữ Lãm ở Thọ Diên; Trần Lựu, Trần Lãm ở Xuân Thiên; Lê Bối, Lê Bôn, Lê Hà Viên ở Xuân Châu. Đội ngũ khai quốc công thần đông đảo này đã lập nhiều chiến công xuất sắc góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn
ở Thanh Hóa, cội nguồn của họ Lê đất Việt hiện còn có hàng trăm di sản văn hóa liên quan đến hai triều đại Tiền Lê và Hậu Lê. Cho đến nay Hội đồng họ Lê Thanh Hóa đã thống kê được gần 200 di tích bao gồm lăng mộ, đền đài, miếu mạo, đình làng, nhà thờ họ có liên quan đến vua, chúa, danh nhân, võ tướng họ Lê. Trong số này đã có trên 60 di tích đã được nhà nước cấp bằng công nhận là di tích lịch sử văn hóa vùng đất Thọ Xuân quê hương của hai vị anh hùng dân tộc Lê Hoàn, Lê Lợi trở thành vùng đất dày đặc các di tích di sản văn hóa của cả hai triều đại: Tiền Lê và Hậu Lê.
Điều đặc biệt hơn nữa là ở Thanh Hóa họ Lê không chỉ có người Kinh mà còn có ở bà con các dân tộc thiểu số như dân tộc Thổ, dân tộc Mường. Có nơi như vùng Như Xuân bà con họ Lê là người dân tộc Thổ, Mường chiếm tới gần 80% dân số trong vùng. Điều đó chứng tỏ họ Lê ở Thanh Hóa xuất hiện hàng ngàn năm nay nên sự phân chia họ Lê thành tộc người này hay tộc người khác còn diễn ra sau khi có dòng họ
*
Là mảnh đất cội nguồn của họ Lê đất Việt, bà con họ Lê ở Thanh Hóa luôn nhớ khôn nguôi các bậc tiền nhân họ Lê theo chân tiên tổ đi đánh đuổi giặc ngoại xâm mở mang bờ cõi rồi sau đó tụ lại xây dựng quê hương mới. Hậu duệ của các bậc tiền nhân họ Lê có nguyện vọng được hành hương về xứ Thanh, tìm về cội nguồn, tri ân tiên tổ. Đáp ứng nguyện vọng ấy của bà con họ Lê cả nước, năm 2007 sau khi thành lập chưa được ba tháng Hội đồng họ Lê Thanh Hóa đã đăng cai và tổ chức thành công cuộc gặp mặt họ Lê Việt Nam lần thứ II tại Thanh Hóa. Có gần 1300 con cháu họ Lê trên khắp mọi miền tổ quốc về dự cuộc gặp mặt. Đó là cuộc đoàn tụ con cháu họ Lê lớn nhất từ trước đến tới nay, để lại dấu ấn cực kỳ sâu sắc trong lòng bà con họ Lê cả nước
Tôi tin rằng từ nay về sau, cứ vào dịp giỗ tổ hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi hàng năm, bà con họ Lê ở khắp mọi miền đất nước tiếp tục hành hương về quê Thanh để thắp một nén nhang tri ân tổ tiên.
Năm nay, Thanh Hóa tổ chức lễ hội Lam Kinh năm 2008 để kỷ niệm 590 năm cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, 580 năm vua Lê Thái tổ đăng quang và 575 năm ngày mất của anh hùng dân tộc Lê Lợi vào các ngày 20, 21, 22 tháng Tám âm lịch. Ban Tổ chức dành hẳn ngày 20 tháng 8 âm lịch để bà con họ Lê cả nước về tế lễ tri ân tổ tiên. Trong buổi lễ trọng thể này, Hội đồng họ Lê ở Thanh Hóa sẽ tổ chức vinh danh 5 thủ khoa họ Lê trong kỳ thi đại học năm 2008 với số điểm tuyệt đối 30/30 và một em đoạt huy chương vàng cuộc thi Olympic toán quốc tế lần thứ 29 tại Tây Ban Nha.
Cũng tại buổi lễ này, Câu lạc bộ doanh nhân họ Lê vừa mới được thành lập cũng xin đến báo công với tổ tiên và xin Người phù hộ độ trì để công việc kinh doanh của con cháu họ Lê ở Thanh Hóa ngày càng phát đạt. Hiện nay ở Thanh Hóa có gần 400 doanh nghiệp lớn nhỏ, có người đứng đầu là con cháu họ Lê. Hội đồng họ Lê Thanh Hóa mới lựa chọn được trên 60 doanh nhân ra nhập câu lạc bộ doanh nhân họ Lê Thanh Hóa. Đây là lực lượng nòng cốt để Hội đồng họ Lê Thanh Hóa có nguồn lực tổ chức các hoạt động khuyến học, khuyến tài, phát huy truyền thống tốt đẹp của tiên tổ trong quá khứ, đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc hôm nay.
Nhân đây, tôi cũng xin được nói thêm rằng, một số di tích di sản văn hóa họ Lê ở Thanh Hóa hiện nay đang ở tình trạng nguyên sơ. Mộ vua Lê Hiển tông ở làng Bàn Thạch xã Xuân Quang nay chỉ là một ngôi mộ đắp đất bình thường, nằm ngay sau dãy lớp học của trường phổ thông cơ sở, không được bằng phần mộ của các chi họ khác trong làng.
Hội đồng họ Lê ở Thanh Hóa tin rằng bà con họ Lê cả nước sẽ cùng chung tay góp sức để việc tôn tạo các di tích họ Lê ở Thanh Hóa được thực hiện nhanh chóng, để vùng đất xứ Thanh nơi lưu giữ phần cốt nhục của các bậc tiên liệt mãi mãi là mảnh đất thiêng, để đón bà con trăm họ hành hương về bái tổ.
Lê Xuân Giang
0 nhận xét:
Đăng nhận xét